Thông tin công nghệ: Ngày 24/7, các quan chức Facebook cho biết mạng xã hội này đang sử dụng một loạt các kỹ thuật cao bao gồm trí tuệ nhân tạo để chống lại hoạt động lừa đảo, tung tin sai lệch và thao túng dư luận.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí qua điện thoại, ông Nathaniel Gleicher, người đứng đầu chính sách an ninh mạng và bà Tessa Lyons, quản lý mảng “tin tức” cốt lõi của Facebook cho biết họ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy có các hoạt động trên mạng xã hội nhằm thao túng dư luận trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11.
Facebook đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về cách xử lý, kiểm soát các thông tin chính trị và thông tin sai lệch kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mà các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc các thông tin này bị ảnh hưởng từ Nga.
Các cuộc trnh cãi không giảm bớt bất chấp những sáng kiến, nỗ lực từ phía Facebook như tạo ra công cụ mới cho thấy tất cả quảng cáo chính trị đang chạy trên mạng hay những nỗ lực kiểm tra thực tế mới để thông báo cho người dùng về những thông tin sai lệch rõ ràng.
Bà Lyons cho biết Facebook đã đạt được tiến bộ trong việc tối ưu hóa quy trình kiểm tra thực tế và gắn nhãn thông tin sai lệch. Một khi một bài viết được dán nhãn sai lệch, người dùng được cảnh báo trước khi họ chia sẻ nó.
Các bài đăng từ các trang web thường phân phối thông tin sai lệch được xếp hạng thấp hơn trong các tính toán xác định nội dung mà mỗi người dùng nhìn thấy nhưng không bị xóa hoàn toàn khỏi chế độ xem.
Ông Gleicher cho biết những người tìm cách cố ý quảng bá thông tin sai lệch thường sử dụng tài khoản giả để lan truyền nội dung của họ hoặc phá vỡ các tiêu chuẩn cộng đồng, cả hai đều là cơ sở để Facebook xóa bài đăng hoặc toàn bộ trang.
Ông Gleicher cũng cho biết Facebook sẽ sử dụng một loại công nghệ trí tuệ nhân tạo được gọi là học máy như là một phần nỗ lực loại bỏ các hành vi tung tin đồn thất thiệt và thao túng dư luận.
Facebook, YouTube và Twitter bị cáo buộc thiên vị nội dung chính trị
Ba “gã khổng lồ” trong lĩnh vực truyền thông xã hội là Facebook, Alphabet và Twitter đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 17/7 và tuyên bố rằng các công ty này không phân biệt đối xử nội dung vì lý do chính trị.
Các nghị sỹ Cộng hòa bảo thủ trong Quốc hội đã chỉ trích các công ty truyền thông xã hội có động cơ chính trị trong việc loại bỏ một số nội dung.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Bob Goodlatte cho biết kể từ phiên điều trần tháng Tư, Quốc hội đã “nhìn thấy rất nhiều nỗ lực của các công ty này để cải thiện tính minh bạch” nhưng tất cả vẫn chưa đủ. Ông Goodlatte chỉ ra một số nội dung đã bị xóa trên mạng xã hội.
Ông Goodlatte đặt câu hỏi liệu các công ty truyền thông xã hội có sử dụng sức mạnh thị trường để áp đặt các quyết định lọc những nội dung mà họ không thích hay ưu tiên những nội dung được ủng hộ?
Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ trong phiên điều trần lại chỉ ra việc Facebook có khuynh hướng thiên vị các nội dung chính trị của các nhóm bảo thủ – ám chỉ đảng Cộng hòa.
Trưởng phòng quản lý chính sách toàn cầu của Facebook, Monika Bickert khẳng định rằng họ muốn đối xử công bằng với tất cả các nhóm chính trị và đó là lý do tại sao họ tiến hành các cuộc kiểm toán khác nhau để đảm bảo sự minh bạch của chính sách này.
Các đại diện của của YouTube (Google) và Twitter cũng khẳng định hai mạng xã hội này không phân biệt đối xử với các nhóm chính trị.